Cung cầu nhân lực: Đói người tài
nguồn nhân lực là tài sản quý báu nhất, quan trọng nhất trong quá trình phát triển của các DN.
Bởi thế, bất chấp tình hình kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhu cầu về nhân sự cấp cao đến lao động phổ thông vẫn không ngừng tăng cao. Tiếc rằng thị trường này ở nước ta vẫn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Thiếu trầm trọng
Cuối tháng 9, hơn 2.600 vị trí việc làm của 29 đơn vị, DN đã mời gọi người lao động đến với “Sàn giao dịch việc làm TPHCM”, do Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM tổ chức. Tuy nhiên theo khảo sát từ các trung tâm giới thiệu việc làm và DN, lượt lao động ứng tuyển vẫn chưa thể bắt nhịp cung - cầu (thiếu hụt khoảng 30% tổng nhu cầu tuyển dụng) dù điều kiện ứng tuyển không quá cao.
Câu chuyện đại diện Công ty Kiềm Nghĩa chia sẻ cũng là khó khăn chung của DN khi tuyển người. Theo đó, Công ty Kiềm Nghĩa phải đến từng trường đại học để đăng ký tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng, do một số sinh viên khá, giỏi năm cuối đã được các DN nước ngoài đặt hàng từ trước.
Có vài nơi, DN nước ngoài còn hỗ trợ cả kinh phí bồi dưỡng và sẵn sàng nhận làm ngay sau khi ra trường. Vì vậy, dù rất cần người cho các vị trí trưởng các phòng kế hoạch, kinh doanh, kỹ thuật, thí nghiệm… nhưng trong suốt 2 năm công ty vẫn không tìm được người ưng ý.
Không riêng gì Kiềm Nghĩa, ngay trong ngành CNTT, hàng năm số sinh viên ra trường lên đến hàng chục ngàn nhưng theo ông Nguyễn Phúc Hồng, Phó Giám đốc Công ty TMA, vài năm gần đây công ty có nhu cầu tuyển khoảng 200 người nhưng chưa khi nào tuyển đủ. Ngay cả việc, công ty mời gọi sinh viên đến thực tập cho quen việc trước khi ra trường nhưng cũng không cải thiện được tình hình.
Thực tế, việc thiếu hụt nguồn nhân lực đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất tại DN. Nhiều trường hợp còn mất luôn cả cơ hội hợp tác kinh doanh. Ngay tại TPHCM, một tập đoàn CNTT Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo TP và ngỏ ý cần khoảng 200 lao động trong lĩnh vực thiết kế bo mạch điện tử. Nhưng tìm mãi, cuối cùng TP phải chào thua vì không thể đáp ứng được yêu cầu trên.
Thiếu vì yếu kỹ năng
DN không tuyển được nhân sự, nhân sự mới ra trường không đáp ứng được yêu cầu. Cứ thế, vòng luẩn quẩn đó tồn tại dài dài. Hậu quả tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ cao đẳng cao gấp 4 lần, nhóm trình độ đại học trở lên cao gấp 3 lần tỷ lệ đối tượng thất nghiệp khác. Điểm đáng chú ý là trong nhóm thất nghiệp, số lao động bị thất nghiệp dài hạn từ 1 năm trở lên chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 44,2%.
Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhận định vấn đề thất nghiệp đã được cảnh báo từ lâu khi nhu cầu tìm việc của lao động có bằng đại học chiếm 53,8%, so với nhu cầu tuyển dụng chỉ chiếm 14,9%. Ngược lại, tỷ lệ lao động tìm việc có trình độ trung cấp chỉ chiếm 13,9% nhưng nhu cầu tuyển dụng của DN lại chiếm 25,7%.
Ngành du lịch là một thí dụ điển hình. Với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế 10%/năm và sự phát triển của du lịch nội địa trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có đóng góp đáng kể cho kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nguồn nhân lực lại là một điểm trừ.
Thực tế, có thể thấy kỹ năng ngoại ngữ kém là rào cản các bạn trẻ gia nhập những ngành nghề có yếu tố quốc tế. Không ít sinh viên du lịch của Việt Nam, dù tốt nghiệp nhưng ngoại ngữ chỉ ở mức bập bõm. Lý do, trong quá trình đào tạo, sinh viên không có nhiều cơ hội học ngoại ngữ, ngoại trừ một số ít trường đào tạo tiếng Anh tốt, còn lại đa số sinh viên phải tự trang bị cho mình kỹ năng này.
Như vậy, có thể thấy chất lượng nguồn lao động của nước ta hiện nay đang còn rất thấp, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, chất lượng cao, có kỹ năng vững lại liên tục tăng. Điều này dẫn đến nguồn lao động dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các DN vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động.
Xaluan.Com
NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH: Thiếu “lượng”, yếu “chất”
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người; trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Sang năm 2015, khi cộng đồng chung ASEAN chính thức hình thành, sự luân chuyển nhân lực trong khối càng đặt ra nhiều thách thức cho nhân lực ngành du lịch khi chúng ta vẫn thiếu về lượng và yếu về chất.
Cơ hội việc làm lớn
Dù còn những tồn tại cần khắc phục để hạn chế tình trạng “một đi không trở lại” của du khách, nhưng trên thực tế Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn ở khu vực Châu Á. Với lợi thế không thể phủ nhận về số lượng danh lam thắng cảnh, trong đó nhiều điểm đến nổi tiếng khắp thế giới, ngành du lịch hứa hẹn tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu người trong những năm tới. Vì tình trạng “khát” nhân lực ngành du lịch là có thực, nên ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người ta chấp nhận tuyển dụng cả những nhân sự chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để đào tạo, bồi dưỡng thêm.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, toàn ngành du lịch hiện có khoảng 500.000 lao động trực tiếp và gần 1 triệu lao động gián tiếp. Đến năm 2015, con số tương ứng sẽ là 650.000 và 2 triệu. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị Marketing (Saigontourist) cho biết, hiện nay số lượng hướng dẫn viên cho những mùa cao điểm mà doanh nghiệp này cần là hơn 300 người, trong khi số nhân lực hiện có chỉ chưa đến 200 người. Để đảm bảo công việc, Saigontourist phải sử dụng đội ngũ cộng tác viên là sinh viên các trường, khoa du lịch hoặc sinh viên ngoại ngữ của các trường đại học, cao đẳng.
Gánh nặng với các trung tâm đào tạo
Tính riêng tại TP.HCM, dự báo trong năm 2014 nhu cầu nhân lực ngành du lịch sẽ tăng 50% so với 2013, trong đó nhóm ngành điều hành quản lý du lịch tăng 30%. Con số này dự báo sẽ có tăng mạnh khi thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực được triển khai.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt (TPHCM) cho rằng những khi quá thiếu nhân lực ngành du lịch, các doanh nghiệp thường sử dụng đội ngũ cộng tác viên. Thế nhưng, rõ ràng đây chỉ là giải pháp tình thế, việc phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch trong dài hạn cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp; bám sát cung - cầu lao động. Các nhà trường, trung tâm đào tạo phải xác định đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp chứ không “bán cái mà mình có”. Để hạn chế tình trạng phải dạy lại, đào tạo lại, các nhà trường và cơ sở đào tạo nên tăng cường cơ hội trải nghiệm thực tế công việc cho sinh viên ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài kiến thức chuyên môn, nhà trường còn trọng trách tăng cường bồi dưỡng kỹ năng mềm - những kỹ năng vô cùng cần thiết cho nhân lực ngành du lịch. Khả năng ngoại ngữ cũng là một trong những yêu cầu bức thiết khi mà hiện nay mặt bằng chung về trình độ ngoại ngữ của nhân lực ngành du lịch vô cùng hạn chế. Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy khoảng 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tua, 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng, khách sạn tại TPHCM không đạt chuẩn ngoại ngữ.
Để nâng cao chất lượng phục vụ nhất là đối với các du khách quốc tế, ngành du lịch cần đưa ra các tiêu chí chuẩn trong lực lượng HDV. Theo đó, cần phân định trình độ, tiêu chuẩn bằng cấp giữa HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa. Đây cũng chính là cơ sở để các cơ sở đào tạo đưa ra giáo trình, chương trình đào tạo cho phù hợp với từng loại hình cụ thể.
Laodong.Com.Vn
A handful of states have chosen to deposit all or most 원 엑스 벳 sports activities betting income in the general fund. Most football (soccer, gridiron football, rugby, and so on.) matches, as well as|in addition to} basketball video games, use a system known as as|often recognized as} a point unfold. Bookmakers decide the variety of factors that will function a variety for a specific contest.
Trả lờiXóa